Hình ảnh báo trước tương lai của Trung Quốc nếu ‘dân số sụp đổ’ như cảnh báo của Elon Musk

 

Tại thành phố Phủ Thuận thuộc tỉnh Liêu Ninh, có tới 1/3 dân số là người từ 60 tuổi trở lên. Thành phố này có thể cung cấp một số hình ảnh về tương lai của Trung Quốc nếu các nhà chức trách không đảo ngược xu hướng già hóa dân số.

Vào năm 2022, BBC News đưa tin tỷ lệ trẻ em sinh ra trên mỗi 1.000 dân Trung Quốc đã rơi xuống mức kỷ lục trong năm 2021 và dự đoán dân số nước này sẽ tiếp tục sụt giảm.  

Không lâu sau, Elon Musk bày tỏ trên mạng xã hội: “Hầu hết mọi người tưởng Trung Quốc vẫn còn duy trì chính sách một con. Song, thực tế là họ đang áp dụng chính sách ba con và vẫn ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất lịch sử vào năm ngoái! Với tỷ lệ hiện tại, dân số Trung Quốc sẽ giảm khoảng 40% sau mỗi thế hệ! Dân số sụp đổ”.

Mục tiêu của vị tỷ phú có vẻ không phải là đưa ra một dự đoán tối tăm về tương lai Trung Quốc, mà nhằm hối thúc các nhà chức trách thực hiện thêm các biện pháp khuyến khích sinh đẻ. Nếu không, xã hội và nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng.

Và ngay lúc này, thành phố Phủ Thuận ở tỉnh Liêu Ninh đang cho thấy rõ những hệ lụy phát sinh khi sự sa sút của nền kinh tế diễn ra cùng lúc với tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt trẻ sơ sinh.

Phủ Thuận từng là một thành phố tràn đầy năng lượng với ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, nhưng ngày nay hầu hết các mỏ than và nhà máy lọc dầu đã đóng cửa.

Một nửa người trẻ đã bỏ đi nơi khác để lập nghiệp. Chi tiêu quỹ lương hưu của thành phố nhiều hơn hẳn so với khoản thu bởi khoảng 1/3 dân số là người từ 60 tuổi trở lên, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay. 

Dấu hiệu về sự già cỗi xuất hiện ở khắp mọi nơi. Điểm dừng xe buýt gắn quảng cáo nghĩa trang, taxi thì quảng cáo các gói trồng răng giả. Một trường tiểu học cũ trong thành phố được cải tạo thành viện dưỡng lão.

Trong khoảng 10 năm nữa, toàn bộ Trung Quốc sẽ có dáng dấp của Phủ Thuận. Ước tính của Liên Hợp Quốc cho thấy tới năm 2035, người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số Trung Quốc, tương tự như tỷ lệ tại Phủ Thuận.

Tỷ suất sinh của Trung Quốc hiện nay chỉ nhỉnh hơn mức 1 trẻ em/phụ nữ một chút. Điều đó có nghĩa là tỷ suất sinh đang thấp hơn nhiều mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Còn Phủ Thuận, nơi mà tỷ suất sinh từ lâu đã thấp hơn mức trung bình toàn quốc, đã mất hơn 20% dân số kể từ năm 2000.

"Phép màu kép"

Phủ Thuận từng nằm trong nhóm 10 thành phố công nghiệp nặng hàng đầu Trung Quốc, thu hút người lao động từ khắp đất nước đổ về. Có lúc Phủ Thuận được mệnh danh là “trung tâm cung cấp nhiên liệu cho Trung Quốc”, chiếm 10% sản lượng than và 50% sản lượng dầu quốc gia.

Giống như nhiều nơi khác ở Trung Quốc, chính sách một con là một phần trong công thức tăng trưởng của Phủ Thuận vào thập niên 1980. Bắc Kinh lập luận rằng người trẻ có thể gia tăng năng suất nhờ có ít con cần chăm hơn.

Phương pháp trên đã giúp thúc đẩy đà tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc, nhưng giờ là lúc nền kinh tế phải trả giá. Việc hạn chế số ca sinh trong quá khứ khiến số người trẻ cần để chăm sóc cho những người lớn tuổi sụt giảm.

Tỉnh Liêu Ninh từng tự hào vì tạo dựng được “phép màu kép” khi vừa kiểm soát dân số hiệu quả vừa gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế.

“Phép màu kép” bắt đầu trở thành “cú đánh kép” vào khoảng năm 2000, khi Trung Quốc quay lưng với than đá, dẫn tới việc đóng cửa các khu mỏ và sa thải công nhân.

Thêm nhiều lao động khác bị cắt giảm khi các nhà máy lọc dầu quốc doanh bắt đầu thua lỗ sau nhiều năm mở rộng bừa bãi. Khi người lao động trẻ rời đi, Phủ Thuận ngày càng trở nên nghèo khó và già nua.

Gánh nặng lên người trẻ

Tại Phủ Thuận, khủng hoảng nhân khẩu học có ảnh hưởng nặng nề nhất tới thế hệ trẻ. Anh Wu Guolei, 38 tuổi, kiếm sống bằng cách mở một cửa hàng nhỏ bán đồ ăn cạnh một trong những mỏ than còn hoạt động cuối cùng ở thành phố có tên Laohutai. Có những ngày anh chỉ kiếm được 15 USD từ lượng khách hàng thưa thớt.

Trong khi đó, phí học thêm cho cô con gái 10 tuổi lại đang tăng. Anh không có anh em nào để san sẻ gánh nặng chăm sóc cha mẹ. Anh chia sẻ với tờ WSJ: “Không phải là tôi không cố gắng, nhưng giờ xã hội là như thế rồi”.

Bố anh Wu là nông dân và chỉ nhận được lương hưu 16 USD mỗi tháng, nên đến giờ ông và vợ vẫn phải ra ruộng làm việc. Còn những người lớn tuổi từng làm việc trong các công ty tài nguyên nhà nước có thể có lương hưu vài trăm USD mỗi tháng, đủ để sống thoải mái.

Vào năm 2015, Phủ Thuận bắt đầu lên tiếng cảnh báo về tình hình tài chính của mình, nói rằng họ thiếu khoảng 1,5 tỷ USD để chi trả lương hưu.

Kể từ đó, nghĩa vụ lương hưu của chính quyền Phủ Thuận ngày càng tăng cao và được dự đoán sẽ vượt quá GDP toàn thành phố. Đến giờ Phủ Thuận vẫn có thể chi trả lương hưu là nhờ trợ cấp từ chính quyền trung ương.

Nhưng sự dựa dẫm này cũng có rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc nói chung đối mặt với nhiều khó khăn. Một số viên chức nhà nước Trung Quốc đã bị cắt giảm lương vài lần trong những năm qua.

Chính quyền Phủ Thuận hiểu rằng tình hình nhân khẩu học bất lợi là lực cản đối với tăng trưởng. Năm 2019, thành phố lên kế hoạch khuyến khích sinh đẻ bằng những biện phá như xét nghiệm thai miễn phí.

Tuy nhiên, giống như chính phủ Trung Quốc, chủ yếu các quan chức địa phương kỳ vọng việc xóa bỏ chính sách một con vào năm 2016 sẽ dẫn tới sự bùng nổ của các ca sinh.

Nhưng tới năm 2019, mọi xu hướng đều cho thấy số trẻ sơ sinh sẽ tiếp tục giảm mạnh qua mỗi năm. Dẫu vậy, giới chức Phủ Thuận vẫn dự báo dân số thành phố sẽ tăng lên thành hơn hai triệu người vào năm 2023 và tỷ suất sinh sẽ đạt 1,6.

Anh Wu, chủ cửa hàng nhỏ cạnh mỏ than Laohutai, không có suy nghĩ lạc quan như các quan chức. Anh dự định chuyển đến nơi khác có cơ hội kiếm tiền tốt hơn. Nếu anh rời đi, số người trẻ tuổi ở Phủ Thuận sẽ lại sụt giảm.

Next Post Previous Post